Sáng 05/01/2022, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương tổng kết công tác năm 2021, triển khai Kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Dự Hội nghị tại điểm cầu Chính phủ có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có các đồng chí: Hoàng Duy Chinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phương Thị Thanh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đăng Bình - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên UBND tỉnh.


Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định, năm 2021, nước ta đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH). Dưới sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương Đảng, những quyết sách đặc thù phục vụ phòng, chống dịch, phát triển KT-XH, bảo đảm an sinh xã hội và giám sát hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ, sự chuyển hướng đúng, kịp thời chiến lược “phòng, chống dịch Covid-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” của Chính phủ và sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp..., chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ trong toàn hệ thống và trên các lĩnh vực.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng ta đã chuẩn bị tốt nhất để bảo đảm an ninh, an toàn, hiệu quả và tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp, phê chuẩn và kiện toàn các chức danh quan trọng của Nhà nước; tạo quyết tâm, nỗ lực mới trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ.

Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng chúng ta vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cơ bản bảo đảm các cân đối lớn. Ước tính tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 2,58%; CPI tăng 1,84% so với năm 2020. Lạm phát được kiểm soát tốt, là dư địa cho phép thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh.

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong bối cảnh dịch bệnh; tăng trưởng khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2021 đạt 4,05%, đóng góp 63,8% trong tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,37%.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 ghi nhận mức tăng cao so với năm 2020, ước đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% và nhập khẩu ước đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5%.

Thu ngân sách nhà nước ước đạt khoảng 1.523,4 nghìn tỷ đồng, tăng 13,4% so với dự toán; chi ngân sách nhà nước ước đạt 1.839,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với dự toán. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội theo giá hiện hành tăng 3,2% so với năm 2020, là mức tăng thấp trong nhiều năm nhưng cũng là kết quả khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới. Trong năm, hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH trọng điểm được đẩy mạnh xây dựng, nhất là hạ tầng giao thông.

Năm 2021, các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển. Nhiều nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm an sinh xã hội được triển khai có hiệu quả. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực xã hội chăm lo đời sống người có công, các đối tượng chính sách được đẩy mạnh. Tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 2,25%.

Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển

Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2022 là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, cụ thể hóa trong 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành. Trong đó, trọng tâm đầu tiên là phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao, biến thách thức thành cơ hội; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; khắc phục hạn chế, yếu kém của năm 2021, nhất là các tồn tại, hạn chế kéo dài; thực hiện thành công toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, tạo nền tảng vững chắc để đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Chính phủ đã xác định các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, gồm: Tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5%; GDP bình quần đầu người đạt 3.900 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP khoảng 25,5 - 25,8%; tốc độ tăng CPI khoảng 4%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội 27,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 67 - 68%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27 - 27,5%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) 1 - 1,5%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 92%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 73%...

Để đạt mục tiêu đề ra, Chính phủ đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: (1) Tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển KT-XH; (2) Xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật; (3) Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số; (4) Phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; (5) Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo; (6) Thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị, kinh tế đô thị, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch; (7) Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam; (8) Quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; (9) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; (10) Củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; (11) Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần củng cố vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; (12) Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, năng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.

Hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, biểu dương và cảm ơn các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, đồng bào, chiến sĩ cả nước về những nỗ lực phấn đấu và những kết quả quan trọng, thành tích to lớn đã đạt được trong năm 2021, góp phần quan trọng đưa đất nước ta vượt qua những khó khăn, thách thức hết sức nặng nề, chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra, tiếp tục làm rạng rỡ Tổ quốc ta, tô thắm thêm lịch sử và truyền thống anh hùng của dân tộc ta.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh 5 nhóm vấn đề lớn. Thứ nhất là cần tiếp tục theo dõi sát sao, nắm chắc các diễn biến của tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước, đặc biệt là nguy cơ từ các biến chủng mới để kịp thời có chính sách, biện pháp ứng phó phù hợp. Tập trung ưu tiên thực hiện Chương trình tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 đã được ban hành để sớm thực sự thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022. Tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin, nhanh chóng bao phủ cơ bản 2 mũi cho người được phép tiêm chủng vaccine. Bảo đảm đủ vắc xin, thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch; nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đề cao tính tự giác, tích cực, chủ động của người dân trong phòng, chống dịch. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Thứ hai, tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, gắn với thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong việc thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ ba, quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hoá hài hòa và ngang tầm với phát triển KT-XH; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn. Chăm lo đời sống người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; quản lý chặt chẽ thuốc chữa bệnh, vật tư, thiết bị y tế; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hoá, nhất là ở các khu công nghiệp, khu đô thị mới; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, văn hoá tốt đẹp. Xây dựng nếp sống văn hoá lành mạnh, ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống và quan tâm hơn đến việc phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và tệ nạn xã hội. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ tư, tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tích cực đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh mạng, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ. Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao; chủ động, tích cực, làm sâu sắc, thực chất hơn quan hệ với các đối tác; đẩy mạnh đối ngoại đa phương. Triển khai thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại đã ký kết, tranh thủ tối đa lợi ích mà các hiệp định này có thể đem lại.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp từ trung ương đến địa phương. Xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hoá, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức.../.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh