Luật Cư trú năm 2020 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 13/11/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021 với nhiều nội dung quan trọng, nổi bật.
Tại Điều 38 Luật Cư trú quy định: “sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022. Trường hợp thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú”.
Như vậy, công dân vẫn được sử dụng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết năm 2022. Tuy nhiên, nếu có thay đổi thông tin về nơi cư trú thì sẽ không được cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú mới.
Các phương thức sử dụng thông tin công dân thay việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự bao gồm: Sử dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú; sử dụng thiết bị đọc QR code trên thẻ căn cước công dân có gắn chíp; sử dụng thiết bị đọc chíp trên thẻ căn cước công dân.
Người dân cũng có thể tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự; sử dụng ứng dụng VNeID hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự (theo Quyết định số 34/QĐ-TTg ngày 8/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ); sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú (ban hành kèm theo Thông tư số 56/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an); sử dụng Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (theo quy định tại Thông tư số 59/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an).
Để việc triển khai thực hiện quy định của Luật Cư trú thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm phiền hà cho công dân trong thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, ngày 22/8/2022, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an đã có Công văn số 5672/C06-TTDLDC đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, sở, ban, ngành có liên quan căn cứ vào thông tin trên thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, thông báo số định danh cá nhân, xác nhận thông tin về cư trú và nghiên cứu, sử dựng các phương thức ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân để xác định nơi cư trú của công dân trong giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự. Tập trung rà soát, điều chỉnh sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, thống nhất với quy định của Luật Cư trú 2020, không yêu cầu công dân xuất trình sổ thường trú, tạm trú.
Theo đó, ngày 5/9/2022, UBND tỉnh đã có Công văn số 5831/UBND-NCPC chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố quán triệt, triển khai các nội dung tại văn bản trên đến cán bộ, công chức, viên chức biết để thực hiện, tránh gây phiền hà cho công dân trong thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
UBND cấp huyện chỉ đạo các phòng, ban, ngành, UBND cấp xã thực hiện, đồng thời tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn công dân thực hiện.
UBND tỉnh giao Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các cấp triển khai thực hiện, đồng thời tham mưu cho UBND cùng cấp chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Cư trú năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành./.