Ngày 17 tháng 11 năm 2022, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định 905/QĐ-BNV về phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác cải cách hành chính giai đoạn 2022 - 2030”.

Mục tiêu chung nhằm tiếp tục tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác cải cách hành chính, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chỉ đạo, tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2022 - 2030.

Theo đó, mục tiêu cụ thể của Đề án gồm:

Thứ nhất, đến năm 2025 đạt trên 85% và đến năm 2030 đạt trên 95% cán bộ, công chức thực hiện công tác cải cách hành chính được cung cấp các kiến thức, kỹ năng cần thiết phục vụ quá trình tham mưu, tổng hợp, hướng dẫn triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính dưới nhiều hình thức; được tiếp cận với các mô hình cải cách hành chính hiệu quả, kinh nghiệm cải cách hành chính của các nước phát triển trên thế giới.

Thứ hai, 100% cán bộ, công chức thực hiện công tác cải cách hành chính được tiếp cận các bài giảng, tài liệu, số liệu, cơ sở dữ liệu về cải cách hành chính để tra cứu, tham khảo trong thực hiện nhiệm vụ; được kịp thời hỗ trợ và giải đáp các thắc mắc trực tiếp hoặc gián tiếp qua kênh hỏi đáp về cải cách hành chính.

Để tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác cải cách hành chính giai đoạn 2022 - 2030, đề án đã đề ra các nhóm giải pháp chủ yếu đó là:

Thứ nhất, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc bố trí, sắp xếp đủ số lượng cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất để thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, phù hợp với cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Từng bước hình thành đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ổn định, có tính chuyên nghiệp cao trong tham mưu, tổ chức triển khai công tác cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Thứ hai, thường xuyên nghiên cứu, cập nhật, sửa đổi, bổ sung nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức viên chức thực hiện cải cách hành chính phù hợp với thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ. Đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng theo hướng hiện đại, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng.

Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác cải cách hành chính; hình thành các nhóm trao đổi kinh nghiệm về thực hiện cải cách hành chính.

Thứ tư, thiết lập các kênh, đầu mối trao đổi, cung cấp, giải đáp, quản lý thông tin, kiến thức, kinh nghiệm về cải cách hành chính (chuyên mục trên website: caicachhanhchinh.gov.vn; nhóm zalo,…).

Thứ năm, bố trí đủ kinh phí cho công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác cải cách hành chính các cấp.

Xem chi tiết tại tệp đính kèm./.

Nguyễn Hòa