Ngày 23/6/2022, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3999/UBND-NCPC về việc nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng.
Trong những năm qua việc thi hành các quy định của pháp luật về thi hành án hình sự của các cấp, các ngành, đoàn thể đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự ở địa phương. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như việc quán triệt các văn bản quy định về thi hành án hình sự chưa được thường xuyên, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã được tăng cường nhưng chưa sâu rộng…
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác chấp hành pháp luật về thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng, khắc phục những tồn tại hạn chế, UBND tỉnh chỉ đạo:
Công an tỉnh: Tiếp tục chủ động nắm tình hình, kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, quản lý chặt chẽ các đối tượng hình sự, người chấp hành xong án phạt tù, đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện trở về địa phương, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng tái phạm tội, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng… Tổ chức rà soát lại đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án hình sự, bổ sung biên chế cho các bộ phận còn thiếu, đảm bảo về số lượng và nâng cao về chất lượng cán bộ, tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án hình sự Công an cấp xã. Xây dựng kế hoạch phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, tổ chức có liên quan, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trong việc chấp hành pháp luật về thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng.
Sở Thông tin và Truyền thông: Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông và hệ thống thông tin cơ sở tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền những nội dung cơ bản của Luật Thi hành án hình sự, triển khai thực hiện Nghị định số 49/2020/NĐ-CP và các văn bản có liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách huy động, khuyến khích các tổ chức kinh tế, xã hội và các cá nhân tham gia hoạt động đào tạo nghề, cho vay vốn, tạo việc làm để giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống.
Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện các biện pháp bảo đảm hiệu quả công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng. Cục Thi hành án dân sự tăng cường công tác vận động giáo dục thuyết phục người phải thi hành án, thân nhân người phải thi hành án chấp hành nghĩa vụ thi hành án dân sự, hướng dẫn họ thực hiện các thủ tục để cấp giấy xác nhận thi hành xong theo quy định.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh: Phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương, vận động, khuyến khích các tổ chức kinh tế, xã hội và cá nhân hỗ trợ vốn để thành lập quỹ xã hội, quỹ từ thiện theo quy định của pháp luật để hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù vay vốn học nghề, tạo việc làm, ổn định cuộc sống.
UBND các huyện, thành phố: Tiếp tục chỉ đạo tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Thi hành án sự, Nghị định số 49/2020/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án hình sự đến toàn thể bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với lực lượng Công an, các ban, ngành, đoàn thể liên quan chủ động trong công tác tiếp nhận, phân công quản lý, giám sát giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng, người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá về nơi cư trú trên địa bàn, quản lý, giám sát, giáo dục và giúp đỡ họ ổn định cuộc sống, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng tái phạm tội./.