Dịch vụ công trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều người dân sử dụng bởi những lợi ích mà nó đem lại trong việc hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính công trên môi trường mạng từ đó giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và chi phí. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Kạn, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã có nhiều giải pháp, biện pháp đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hòa - Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Ban biên tập: Trước tiên đề nghị bà cho biết lợi ích khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến? số thủ tục hành chính được cung cấp trên môi trường điện tử được công bố hiện nay của tỉnh Bắc Kạn?

Lợi ích khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến đó là tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức được phân công xử lý hồ sơ thủ tục hành chính...; giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các tổ chức, cá nhân. Để khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ công trực tuyến (hay còn gọi là thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử), UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp như: Trình HĐND tỉnh quyết nghị việc giảm phí, lệ phí (đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh); giảm thời hạn giải quyết thủ tục hành chính so với thực hiện thủ tục hành chính trực tiếp.

Theo Quyết định số 1414/QĐ-UBND ngày 04/8/2023 của UBND tỉnh về phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn thì hiện nay toàn tỉnh có 1.169 thủ tục hành chính được giải quyết trên môi trường điện tử (trong đó dịch vụ công toàn trình là 994 thủ tục; dịch vụ công một phần là 174 thủ tục). Theo đó, trên cơ sở phê duyệt danh mục này, các sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý có trách nhiệm rà soát, lựa chọn 20% dịch vụ công trực tuyến để thực hiện tái cấu trúc quy trình và tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt phương án tái cấu trúc quy trình giải quyết thủ tục hành chính sau khi có ý kiến thẩm định của Sở Thông tin và Truyền thông.

Biên tập viên: Với vị trí, chức năng là đơn vị hành chính đặc thù trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính tỉnh đã có các giải pháp, biện pháp gì để đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử?

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là đơn vị hành chính đặc thù trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh, với chức năng hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính; tiếp nhận, số hóa hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính; giải quyết hoặc chuyển hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; thu phí, lệ phí (nếu có) theo quy định. Thông tin, tuyên truyền, công khai, hướng dẫn thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Tham gia đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính. Lưu trữ, cung cấp thông tin, tuyên truyền về cải cách thủ tục hành chính, hoạt động của Trung tâm và các hoạt động khác theo quy định.


Tiếp nhận thủ tục hành chính cấp phiếu lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tâm Phục vụ hành chính công tỉnh

Theo đó, hiện nay có 18 sở, ngành đang tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm. Trong thời gian vừa qua, trên cơ sở Kế hoạch số 572/KH-UBND ngày 08/9/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử; Quyết định số 1414/QĐ-UBND ngày 04/8/2023 về phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh… Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành tìm các giải pháp, biện pháp cụ thể, thiết thực với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, cụ thể:

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm và trình UBND tỉnh ban hành. Theo đó, tại Quy chế đã dành 1 chương riêng để quy định về quy trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, trong đó có giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Thứ hai, đa dạng và đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm. Theo đó, ngoài việc tuyên truyền theo cách truyền thống, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền qua môi trường mạng, Thiết lập tài khoản Zalo “Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Kạn”; thông qua đội ngũ đoàn viên thanh niên của Đoàn các cơ quan tỉnh đang thực hiện chương trình phối hợp tuyên truyền, hỗ trợ tổ chức, các nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm vào sáng thứ 2 và thứ 5 hằng tuần.

Thứ ba, ký kết chương trình phối hợp với Đoàn các cơ quan tỉnh về tuyên truyền, hỗ trợ tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Chương trình phối hợp với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - chi nhánh Bắc Kạn về mở tài khoản ngân hàng miễn phí cho tổ chức, cá nhân, để từ đó dần hình thành thói quen nộp hồ sơ thủ tục hành chính từ trực tiếp sang trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Theo đó, ngoài việc hướng dẫn về nộp hồ sơ trực tuyến còn tuyên truyền về tiện tích, lợi ích và chính sách của tỉnh khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến như: Về giảm phí lệ phí, về thời hạn thực hiện, giảm chi phí đi lại…

Qua triển khai thực hiện đến nay đã hướng dẫn, trợ giúp được gần gần 1,5 nghìn lượt cá nhân, tổ chức. Chúng tôi thấy đây là cách làm hiệu quả, thiết thực cộng đồng trách nhiệm, trên cơ sở huy động sự tham gia, vào cuộc không chỉ là đội ngũ đoàn viên thanh niên của các sở, ngành và mà còn có sự tham gia của các em học sinh tại trường Trung học phổ thông.


Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh ký kết chương trình phối hợp với Đoàn các cơ quan tỉnh

Thứ tư, triển khai thí điểm mô hình “Ngày thứ Hai không giấy và không dùng tiền mặt”. Theo đó, đối với mô hình này chúng tôi đã lựa chọn các thủ tục hành chính có tần suất phát sinh nhiều, liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp như: Thủ tục Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền cấp của Sở Công Thương; Thủ tục cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu; thủ tục Đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp; thủ tục Chuyển trường đối với học sinh trung học phổ thông; thủ tục Thông báo thay đổi nội dung đăng ký thuế (trừ phương pháp tính thuế); thủ tục Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; thủ tục Cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; thủ tục Thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; thủ tục Cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam; thủ tục Cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng lần đầu hạng II, hạng III.


Hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia

Thứ năm, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, đem lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp, ngoài hình thức đánh giá trên thiết bị điện tử đã được thực hiện, Trung tâm triển khai thêm hình thức quét mã QR Code. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên Bưu điện làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thường xuyên hướng dẫn tổ chức, cá nhân sử dụng điện thoại thông minh, quét mã QR Code gắn trên biển tên các quầy để thực hiện đánh giá. Theo thống kê sơ bộ kết quả đánh giá, 100% tổ chức, cá nhân hài lòng đối với sự phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Ban Biên tập: Trong quá trình triển khai thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, bên cạnh những kết quả đạt được còn gặp những khó khăn, vướng mắc gì? Và giải pháp để nâng cao hiệu quả vấn đề này tại Trung tâm?

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn khách quan nhất định như: Người dân còn có tâm lý và yên tâm hơn khi thực hiện thủ tục hành chính trực tiếp; chưa có tài khoản dịch trên Cổng Dịch vụ công; chưa có tài khoản ngân hàng để thanh toán trực tuyến; thông tin cá nhân giữa thẻ căn cước công dân và số điện thoại chưa thống nhất; chưa có nhiều kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin khi thao tác trên môi trường điện tử; có thời điểm Cổng Dịch vụ công bị lỗi …

Việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử là một trong những nhiệm vụ thuộc lĩnh vực chuyển đổi số. Do đó, để thu hút, khuyến khích tổ chức, cá nhân cần tiếp tục tăng thêm tính thân thiện, dễ sử dụng của Cổng Dịch vụ công trực tuyến, tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống phần mềm. Do đó, trong thời gian tới Trung tâm cùng với các sở, ngành quyết tâm thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Đẩy mạnh công tác truyền thông, phát huy hiệu quả mô hình “Ngày thứ Hai không giấy và không dùng tiền mặt”. Theo đó, dự kiến tháng 12 năm 2023 Trung tâm sẽ tham mưu Văn phòng UBND tỉnh tổ chức sơ kết việc thực hiện mô hình, các chương trình đã ký kết với các ngành, đơn vị để đánh giá những kết quả đạt được và tham mưu, đề xuất các giải pháp. Đồng thời đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng nhằm động viên các tập thể, cá nhân có thành tích trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Thứ hai, kiến nghị với cấp có thẩm quyền tiếp tục đơn giản hóa, tái cấu trúc thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, đảm bảo sát với cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh; triển khai chữ ký số công cộng.

Thứ ba, kiến nghị cấp có thẩm quyền quan tâm, hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ tại Bộ phận Một cửa, thực hiện nhiệm vụ số hóa hồ sơ, thủ tục hành chính thông qua các cơ chế, chính sách cụ thể.

Thứ tư, tiếp tục báo cáo, đề xuất UBND tỉnh đầu tư cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, hạ tầng công nghệ thông tin kết nối chia sẻ để đảm bảo việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử hiệu quả.

Trân trọng cảm ơn bà đã tham gia cuộc phỏng vấn này./.

BBT