Sáng 14/3, Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự Hội nghị có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hồ Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nông Quang Nhất; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa; Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Triệu Thị Thúy cùng lãnh đạo và đại diện các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.


Toàn cảnh Hội nghị

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, thực hiện việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tỉnh Bắc Kạn đã ban hành kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo; Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí có kế hoạch tuyên truyền bằng nhiều hình thức thích hợp trong quá trình tổ chức lấy ý kiến.

Đến nay, 8/8 huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch của cấp huyện và chỉ đạo đến các xã, phường, thị trấn tổ chức các hội nghị lấy ý kiến đến từng thôn, bản, tổ dân phố để triển khai đến Nhân dân và lấy ý kiến góp ý của Nhân dân; các sở, ban, ngành thuộc tỉnh cũng đã tổ chức các hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến của đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận 38 báo cáo của các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố. Các cơ quan, tổ chức trực thuộc đã tổ chức 1.380 cuộc hội nghị, hội thảo, trong đó riêng cấp huyện đã tổ chức 1.350 cuộc hội thảo, hội nghị, đã nhận được 183 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân.

Về cơ bản, việc thực hiện tổ chức lấy ý kiến đã được thực hiện theo kế hoạch và nhận được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình triển khai được các đối tượng nghiên cứu và hầu hết nhận được sự đồng thuận việc ban hành Luật Đất đai (sửa đổi).

Tại Hội nghị, các đại biểu khẳng định việc sửa đổi Luật Đất đai là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu trong quá trình phát triển. Trên cơ sở rà soát các nội dung, các đại biểu cho rằng dự thảo lần này đã chặt chẽ, hợp lý hơn, các quy định cơ bản rõ ràng, thuận lợi trong việc thi hành cũng như cho Nhân dân tìm hiểu, tra cứu.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị xem xét chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung trong dự thảo, trong đó, một số ý kiến đề nghị nên xem xét lại Khoản 30, Điều 3 (giải thích từ ngữ) về "Khu vực quản lý nghiêm ngặt chuyển mục đích sử dụng đất” là khu vực không được thay đổi mục đích sử dụng đất, gồm: Đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản thiên nhiên, đất trồng lúa 2 vụ trở lên, đất quốc phòng, đất an ninh cần bảo vệ trừ những trường hợp đặc biệt quan trọng cần thu hồi đất để sử dụng vào mục đích công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định và các công trình hạ tầng phục vụ quản lý chặt chẽ các khu vực này. Đại biểu đề nghị nên có quy định phù hợp để thuận tiện cho các địa phương trong quá trình triển khai nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định.


Chủ tịch UBND huyện Ba Bể Lưu Quốc Trung tham gia ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Cũng có ý kiến cho rằng, không nên xây dựng kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hằng năm vì rất mất thời gian, tốn kém nguồn lực. Về bố trí tái định cư không nhất thiết phải có khu tái định cư. Đối với nội dung quy định về “nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, có thu nhập tốt hơn nơi ở cũ”, quy định này chưa rõ ràng, khó để thực hiện trong thực tiễn.

Có ý kiến đề nghị việc thực hiện chế độ chính sách về đất đai đối với dân tộc Kinh sinh sống lâu năm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nên có quy định về thời gian bao nhiêu năm thì được hưởng chế độ như đồng bào dân tộc thiểu số…

Về việc giải quyết tranh chấp đất đai, một số ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định cũ, còn đa số các đơn vị đề nghị thực hiện như dự thảo là để cơ quan Tòa án giải quyết.

Ngoài ra, có nhiều ý kiến tham gia về thời gian xây dựng bảng giá đất, mức giá đất, về đất sử dụng đa mục đích, việc mở rộng quyền sử dụng đất, nhất là đất nông nghiệp…

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình nhấn mạnh, Hội nghị đã tiếp nhận được nhiều ý kiến từ các đại biểu, đây là những ý kiến rất tâm huyết, phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Đồng chí ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đơn vị, địa phương.

Qua nghe báo cáo, các đơn vị, địa phương đã chủ động tích cực lấy ý kiến Nhân dân và tổng hợp được các ý kiến của các địa phương phản ánh những tồn tại, bất cập trong thực hiện Luật trước đây.

Việc tổ chức lấy ý kiến tham gia vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ tập thể, tâm huyết của các cơ quan, tổ chức, Nhân dân nhằm góp phần hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả. Thời gian lấy ý kiến còn lại, các đơn vị tiếp tục tiếp thu ý kiến của các đơn vị, địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp các văn bản và ý kiến tham gia góp ý để tham mưu UBND tỉnh có báo cáo góp ý chất lượng tốt nhất gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp chung./.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh