Theo Luật Cư trú năm 2020, kể từ ngày 01/01/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng. Lĩnh vực đất đai có một số thủ tục hành chính liên quan sổ hộ khẩu. Vậy khi bỏ Sổ hộ khẩu thì các thủ tục này được thực hiện như thế nào?

Theo Báo cáo số 45/BC-STNMT ngày 08/3/2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn, qua rà soát lĩnh vực đất đai có 02 thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đó là: Thủ tục “Đăng ký biến động về sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ); giảm diện tích thửa đất do sạt lở tự nhiên; thay đổi về hạn chế quyền sử dụng đất; thay đổi về nghĩa vụ tài chính; thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký, cấp Giấy chứng nhận” yêu cầu công dân cung cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy và thủ tục “Đăng ký và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu” yêu cầu công dân cung cấp sổ hộ khẩu khi xác nhận nguồn gốc đất tại UBND xã.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 38, Luật Cư trú năm 2020 quy định “Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022". Như vậy, từ ngày 01/01/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng; người dân khi thực hiện các thủ tục về đất đai nêu trên không phải xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Thông tin về cư trú của công dân sẽ được các cơ quan quản lý nhà nước khai thác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.    

Theo Nghị định 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ, việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện bằng 1 trong 4 phương thức sau:

Phương thức thứ nhất: Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua cổng dịch vụ công quốc gia;

Phương thức thứ 2: Tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNelD;

Phương thức thứ 3: Sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chíp trên thẻ Căn cước công dân gắn chip;

Phương thức thứ 4: Các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Hiện nay, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Kạn và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các huyện, thành phố; khi tiếp nhận các hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai có liên quan đến thông tin cư trú của công dân, thay vì yêu cầu người dân nộp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, công chức tiếp nhận hồ sơ sẽ tiến hành tra cứu, khai thác thông tin cá nhân, thông tin cứ trú  của công dân đến thực hiện các thủ tục hành chính thông qua chức năng tra cứu của Hệ thống một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân hiển thị trong ứng dụng VneID.

Với những lợi ích thiết thực của việc ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử sẽ tạo thuận lợi và nâng cao sự hài lòng của người dân khi tham gia thực hiện các thủ tục hành chính./.

Nguyễn Tâm