Với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số, phát huy tối đa nguồn lực về cán bộ, cơ sở vật chất, công nghệ thông tin (CNTT) trong các hoạt động quản lý, nghiệp vụ của ngành để phục vụ tốt nhất quyền lợi của tổ chức, doanh nghiệp (DN), người dân khi tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Xác định thực hiện chiến lược chuyển đổi số của Chính phủ, của Ngành BHXH Việt Nam cũng như các kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm nhằm giảm thủ tục, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí và tạo thuận lợi nhất cho các đơn vị, cá nhân và DN, BHXH tỉnh chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC), toàn Ngành đơn giản hóa TTHC, từ 114 thủ tục (năm 2015) hiện còn 25 TTHC với 100% TTHC được cung cấp DVC trực tuyến mức độ 4 và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam; 14/25 TTHC tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; số giờ thực hiện TTHC cho người dân, DN giảm từ 335 giờ/năm (năm 2015) xuống còn trên 100 giờ. Toàn bộ quy trình TTHC đăng tải đầy đủ trên Website BHXH tỉnh và niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận và trả kết quả TTHC, đáp ứng nhu cầu khai thác, tìm hiểu, tra cứu của nhân dân. Đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận và trả kết quả TTHC qua Giao dịch điện tử, Bưu chính công ích, tại Bộ phận Một cửa cơ quan BHXH và Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, cấp huyện. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh tiếp nhận gần 17.500 hồ sơ với tỷ lệ giải quyết trên 98% và 66% hồ sơ thực hiện qua giao dịch điện tử. Trong kỳ, không có phát sinh kiến nghị, phản ánh về các quy định, TTHC thuộc thẩm quyền của Ngành.
Thực hiện TTHC về BHXH tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh
Với nền tảng CNTT, chuyển đổi số, BHXH tỉnh triển khai giao dịch điện tử cho cá nhân và đơn vị trên tất cả các lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN với trên 98% đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch với cơ quan BHXH bằng điện tử. Đồng thời, đổi mới phương thức chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH, ngoài chi trả trực tiếp qua Đại diện chi trả Bưu điện tỉnh, BHXH tỉnh tăng cường vận động, khuyến khích người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản ATM tại ngân hàng giúp giảm chi phí hành chính, chống lãng phí và nâng cao tính minh bạch trong tài chính. Toàn tỉnh hiện có khoảng 2.500 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH (23%), hơn 3.000 người hưởng chế độ BHXH một lần (70%) và 100% người hưởng trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân.
Việc triển khai ứng dụng BHXH số - VssID từ tháng 11/2020 của ngành BHXH Việt Nam là một trong những thành tựu nổi bật của công cuộc chuyển đổi số ngành BHXH, giúp NLĐ chủ động nắm bắt thông tin chính sách, pháp luật, theo dõi các chế độ BHXH, BHYT, BHTN của cá nhân và tạo lập kênh kết nối thực hiện các TTHC lĩnh vực BHXH, BHYT một cách nhanh chóng, thuận tiện, chính xác, sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi khám, chữa bệnh... Theo đó, BHXH tỉnh đã triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp hướng dẫn, hỗ trợ người dân đăng ký, cài đặt sử dụng ứng dụng VssID, đến nay, có trên 50.000 người tham gia BHXH, BHYT cài đặt thành công ứng dụng “VssID - BHXH số”, chiếm tỷ lệ 16% tổng số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn.
Hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VssID
Đặc biệt, thực hiện đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ (gọi tắt là Đề án 06) và Kế hoạch triển khai của BHXH Việt Nam, của UBND tỉnh, BHXH tỉnh đã phối hợp và thực hiện liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu với tổ chức, đơn vị liên quan như: Trao đổi với cơ quan Thuế dữ liệu về thu nhập, tiền lương đóng BHXH, đóng thuế; Chia sẻ thông tin các đơn vị, DN đăng ký kinh doanh với Sở Kế hoạch Đầu tư, qua đó nâng cao hiệu quả của công tác quản lý thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT; Phối hợp với cơ quan Tư pháp về kết nối, chia sẻ thông tin đăng ký khai sinh của trẻ em để phục vụ cấp thẻ BHYT, cập nhật tăng trẻ em dưới 6 tuổi vào phần mềm Hộ gia đình và điều chỉnh giảm do chết theo quy định; Liên thông dữ liệu điện tử khám, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế phục vụ công tác thanh, quyết toán chi phí KCB BHYT kịp thời, đúng quy định trên Cổng thông tin Giám định điện tử, góp phần quản lý hiệu quả, chặt chẽ quỹ KCB BHYT; Cung cấp dữ liệu thông tin người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH cho Bưu điện tỉnh; Rà soát, tra cứu thông tin người hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đề nghị của Trung tâm DVVL, góp phần nâng cao công tác quản lý và chi trả người hưởng; Kết nối với Ngân hàng về quản lý thu nộp, chi trả BHXH điện tử và vận động người hưởng nhận chế độ BHXH, BHTN qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt, phối hợp với Ngành Công an chia sẻ, đồng bộ, khai thác dữ liệu, cập nhật, bổ sung số định danh cá nhân/căn cước công dân của người tham gia trong cơ sở dữ liệu về BHXH với khoảng 270.000 người tham gia BHXH, BHYT đã xác thực đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chiếm tỷ lệ 87% so với tổng số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh.
Có thể thấy, việc triển khai mạnh mẽ công tác chuyển đổi số của ngành BHXH nói chung, của BHXH tỉnh Bắc Kạn nói riêng đã tạo thuận lợi tối đa cho các tổ chức và cá nhân trong quá trình giao dịch với cơ quan BHXH, tạo dựng hình ảnh ngành BHXH “chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả” đáp ứng sự hài lòng của người dân và DN. Để thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số trong thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện việc phối hợp, kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu dùng chung với các đơn vị liên quan, tối ưu hóa việc sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu của ngành BHXH Việt Nam để phục vụ người dân, DN; giải quyết, chi trả chế độ, chính sách kịp thời, nhanh chóng, chính xác; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng quỹ, phòng chống gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BHTN… Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Trang thông tin điện tử, duy trì hoạt động các Kênh thông tin Youtube, Zalo, Facebook trên nền tảng mạng xã hội; Đường dây nóng; Hòm thư góp ý… giúp giải đáp các nội dung liên quan đến chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN của cá nhân, đơn vị đảm bảo chính xác, nhanh chóng, kịp thời... hướng tới mục tiêu hoàn thiện ngành BHXH Việt Nam số, đem lại hiệu quả trong quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia và xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số./.