Chiều 15/4, Đoàn ĐBQH tỉnh đã làm việc với UBND tỉnh để giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 trên địa bàn tỉnh. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hồ Thị Kim Ngân chủ trì buổi giám sát, tham gia cùng Đoàn giám sát có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nông Quang Nhất.

Làm việc với Đoàn giám sát có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng và lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng phát biểu tại buổi làm việc

Giai đoạn 2016 - 2021, công tác chỉ đạo, điều hành, ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được UBND chủ động triển khai kịp thời, tạo tiền đề thuận lợi cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, trong giai đoạn này, tổng số kinh phí cắt giảm được sau khi thẩm định dự toán của các đơn vị, địa phương khoảng 2,534 tỷ đồng; số tiền tiết kiệm được sau khi thẩm định quyết toán ngân sách các đơn vị sử dụng ngân sách khoảng 1,342 tỷ đồng. Việc quản lý và sử dụng ngân sách được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, tiết kiệm; công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản từng bước đã khắc phục được những hạn chế, yếu kém. Việc mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực Nhà nước, quản lý sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tiếp tục được cải thiện. Tài nguyên, đất đai từng bước được quản lý, khai thác, sử dụng chặt chẽ, hiệu quả. Việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp đã có nhiều đổi mới…

Cùng với những kết quả đạt được, tình hình thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Nội dung chi thường xuyên tại một số đơn vị chưa đúng về định mức, đối tượng; việc khai thác và sử dụng tài nguyên còn lãng phí, nạn khai thác rừng và khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn xảy ra; công tác tuyên truyền về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa thực sự hiệu quả…

UBND tỉnh Bắc Kạn kiến nghị các bộ, ngành tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, đơn giá còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định còn có vướng mắc trong thực tế hoặc chưa được hướng dẫn cụ thể, chi tiết, xem xét xây dựng cơ chế trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nghiên cứu ban hành đầy đủ, kịp thời hệ thống định mức kinh tế, kỹ thuật, đơn giá, khung giá dịch vụ để các địa phương có cơ sở thực hiện phương thức đấu thầu, đặt hàng dịch vụ công có sử dụng ngân sách nhà nước. Nghiên cứu bổ sung quy định, hoàn thiện thể chế về công tác thanh tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác xử lý sau thanh tra theo hướng quy định cụ thể trong Luật Thanh tra (sửa đổi, bổ sung); có hướng dẫn quy trình chi tiết thanh tra, kiểm tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tại buổi làm việc, các sở, ngành, địa phương đã báo cáo làm rõ một số nội dung được Đoàn giám sát chỉ ra về thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử lý vi phạm về đất đai; thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai; việc quản lý, sử dụng tài sản công; sử dụng trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; quản lý các công trình nước sạch; việc thực hiện các kết luận thanh tra; tính kịp thời trong ban hành các văn bản về tiêu chuẩn, định mức…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng đã trao đổi làm rõ những nội dung kiến nghị của Đoàn giám sát về việc quản lý đất lâm trường; quản lý ngân sách, tài sản công; việc thu thuế bán hàng qua mạng; quản lý nước sinh hoạt tập trung… Đồng thời đề nghị các sở, ngành của tỉnh khắc phục sớm những tồn tại, vướng mắc đã được Đoàn giám sát chỉ ra để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.


Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hồ Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi giám sát

Kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hồ Thị Kim Ngân đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh bổ sung nội dung báo cáo còn thiếu, chưa rõ. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh tiếp tục đôn đốc, tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; có chỉ tiêu, mục tiêu từng năm và báo cáo đánh giá ngay từ khâu lập dự toán các dự án để đưa ra các giải pháp cụ thể trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đối với một số doanh nghiệp Nhà nước, qua giám sát cho thấy hoạt động chưa hiệu quả, đề nghị UBND tỉnh rà soát, đánh giá cụ thể và có giải pháp khắc phục sớm để các doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả hơn.

Trước khi giám sát tại UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh đã giám sát tại một số sở, ngành, đơn vị, địa phương, trên cơ sở đó tổng hợp ý kiến để kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương các cấp giải pháp trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật để nâng cao chất lượng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm sử dụng các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả./.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh