Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được xác định là một trong sau nội dung quan trọng trong Chương trình tổng thể về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2020-2030.

Theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ với mục tiêu: Cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp; TTHC nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết TTHC trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ công mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau.

Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh (UBND), thời gian qua Sở Tư pháp đã tích cực, chủ động triển khai các giải pháp để đẩy mạnh cải cách TTHC, góp phần tạo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC. Trong đó, việc thực hiện “TTHC không chờ” là giải pháp hiệu quả để đối mới về cách thức thực hiện TTHC, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ, xây dựng một nền hành chính phục vụ chuyên nghiệp, hiện đại và thân thiện, đảm báo các TTHC được được giải quyết nhanh chóng, chính xác, công khai, minh bạch, không có khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định, giảm chi phí thực hiện TTHC, từ đó góp phần cải thiện các chỉ số chung của tỉnh (chỉ số PAR INDEX, chỉ số PCI, chỉ số PAPI) và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Sở Tư pháp là một trong các đơn vị tiên phong đi đầu trong việc triển khai thực hiện “TTHC không chờ”. Đơn vị đã ban hành Kế hoạch số 105/KH-STP ngày 21/10/2022 về việc triển khai thực hiện giải quyết “TTHC không chờ” thuộc thẩm quyền quản lý và giải quyết của Sở Tư pháp. Mô hình của việc giải quyết “TTHC không chờ” được áp đối với các TTHC có thời gian giải quyết ngắn ngày, đơn giản, việc giải quyết TTHC không liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, người dân được nhận kết quả ngay, không cần giấy hẹn nhận kết quả, không phải đi lại nhiều lần. Theo đó, Bộ phận Một cửa của Phòng Công chứng số 1, số II, số III và Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước là các đơn vị lựa chọn và triển khai có hiệu quả đối với mô hình này, cụ thể: Đối với Phòng Công chứng gồm 03 thủ tục (thủ tục Chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận; thủ tục “Chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận” và thủ tục“Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản (áp dụng cho cả trường hợp chứng thực điểm chỉ và trường hợp người yêu cầu chứng thực không thể ký, không thể điểm chỉ được). Đối với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước gồm 02 thủ tục (thủ tục Yêu cầu trợ giúp pháp lý” và thủ tục “Rút yêu cầu trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý).

Sau 02 tháng triển khai, việc giải quyết “TTHC không chờ” tại Sở Tư pháp nhận được sự phản hồi tích cực và đánh giá cao của người dân. Thay vì phải mất thời gian đi lại, thời gian chờ đợi để giải quyết hồ sơ, thậm chí là chờ cả một buổi, thì khi áp dụng mô hình “TTHC không chờ” đối với 05 TTHC được lựa chọn và triển khai, người dân khi đến yêu cầu thực hiện TTHC chỉ mất từ 10 đến 20 phút để làm TTHC. Hồ sơ được trả luôn, công dân không tốn thời gian chờ đợi. Không chỉ rút ngắn thời gian làm việc, việc thực hiện các “TTHC không chờ” còn giúp cán bộ trực tại Bộ phận Một cửa giảm thiểu bước in giấy hẹn cho công dân, góp phần tiết kiệm, tránh lãng phí, tránh phải lưu nhiều giấy tờ.

Theo số liệu báo cáo kể từ khi triển khai thực hiện mô hình “TTHC không chờ”, Bộ phận Một cửa Sở Tư pháp đã áp dụng hình thức tiếp nhận và giải quyết “TTHC không chờ” với tổng số hồ sơ phát sinh là: 943 hồ sơ (trong đó 893 hồ sơ phát sinh trong cả 03 TTHC thuộc lĩnh vực Chứng thực và 50 hồ sơ Yêu cầu trợ giúp pháp lý thuộc lĩnh vực Trợ giúp pháp lý). Hầu hết các hồ sơ TTHC đều được cán bộ tại Bộ phận Một cửa giải quyết “tại chỗ”, “không hẹn” và “không chờ”. Đây là nỗ lực rất lớn của đội ngũ công chức, viên chức Sở Tư pháp khi triển khai thực hiện mô hình với quyết tâm nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nâng cao sự hài lòng và tin tưởng của người dân đối với cơ quan nhà nước.

Để triển khai, áp dụng và nhân rộng mô hình này trên địa bàn toàn tỉnh, Sở Tư pháp đưa ra một số giải pháp thực hiện như sau:

          Thứ nhất, đẩy mạnh việc rà soát lại toàn bộ TTHC, trước tiên chọn những TTHC có tính khả thi, phù hợp, sát sườn với người dân, tổ chức để đưa ra thực hiện “TTHC không chờ”. Có thể tập trung thực hiện nguyên tắc này đối với những TTHC tại cấp huyện, cấp xã có thời gian giải quyết ngắn ngày, đơn giản, không liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, không cần bước xác minh, thẩm tra.

Thứ hai, đề xuất giáp pháp tái cấu trúc quy trình để đáp ứng được việc giải quyết “TTHC không chờ” đối với một số TTHC, báo cáo UBND tỉnh để có hướng xử lý đối với một số TTHC “gần” đáp ứng thực hiện TTHC không chờ.

Thứ ba, xây dựng, ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện chuyên đề về “TTHC không chờ”; đẩy mạnh việc tuyên truyền, cập nhật thông tin về “TTHC không chờ” để đông đảo người dân, doanh nghiệp được biết và thực hiện như đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, tuyên truyền qua các cuộc họp cơ quan, họp Chi bộ, họp tổ dân phố, tuyên truyền qua lao, đài phát thanh, báo điện tử…

Thứ tư, thực hiện việc niêm yết công khai, minh bạch các TTHC theo quy định nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận, tìm hiểu và thực hiện; bảo đảm quyền và lợi ích của tổ chức, người dân khi thực hiện TTHC. Tăng cường ứng dụng CNTT trong quá trình thực hiện TTHC, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ.

Với quyết tâm xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, đảm bảo hướng tới mục tiêu công khai, minh bạch, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, Sở Tư pháp tiếp tục nghiên cứu các TTHC thuộc lĩnh vực khác thuộc thẩm quyền giải quyết của Ngành để có những mô hình hay, phục vụ nhân dân một cách tốt nhất, hiệu quả nhất để áp dụng trong thời gian tới./.

Lăng Mai