Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần đẩy mạnh thực hiện cải cách nền hành chính nhà nước.

Công tác kiểm soát TTHC tại tỉnh Bắc Kạn được triển khai thực hiện theo các quy định: Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát TTHC; Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát TTHC; Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát TTHC. Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện nhiệm vụ này thường xuyên và đạt những kết quả quan trọng như: Kịp thời kiện toàn công chức đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC; thường xuyên công bố, công khai TTHC nhằm hướng đến công khai, minh bạch toàn bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước đến người dân, doanh nghiệp; rà soát, đơn giản hóa TTHC, cắt giảm thời hạn giải quyết để rút ngắn thời gian cho tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện TTHC; công tác kiểm tra được tăng cường; kịp thời chấn chỉnh những vi phạm trong việc tiếp nhận và giải quyết TTHC; quy định TTHC được kiểm soát chặt chẽ nên đã tránh được tính tự phát, tùy tiện và khắc phục tình trạng vi phạm về thẩm quyền ban hành TTHC.

Tuy đạt được những kết quả quan trọng, đáng khích lệ nhưng công tác kiểm soát TTHC của tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, còn một số hạn chế nhất định như: Công tác rà soát, kiến nghị đơn giản hóa TTHC tại cấp huyện và cấp xã chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra, trong khi trên thực tế hiện nay nhiều TTHC còn rườm rà, bất hợp lý cần phải cắt giảm, sửa đổi cho phù hợp; vẫn còn tình trạng giải quyết hồ sơ TTHC vượt quá thời gian quy định; việc phối hợp giải quyết TTHC giữa các cơ quan hành chính chưa kịp thời gây khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân; việc niêm yết công khai TTHC tại một số cơ quan, đơn vị chưa đảm bảo theo quy định; việc phát sinh hồ sơ TTHC qua dịch vụ công trực tuyến chưa chưa đạt được tỷ lệ và hiệu quả; người đứng đầu một số cơ quan chưa thực sự quan tâm đến công tác kiểm soát TTHC...

Mục tiêu về cải cách TTHC mà Tỉnh ủy Bắc Kạn đề ra tại Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 22/4/2021 về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 là “Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt 90% trở lên. Trong đó, mức độ hài lòng về giải quyết TTHC lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt 80% trở lên, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt tối thiểu 90%; mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ cung cấp y tế, giáo dục công lập đạt tối thiểu 85%”. Nghị quyết cũng yêu cầu tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư gắn với cải cách TTHC, tạo động lực cho thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để đạt được mục tiêu đặt ra thì việc nâng cao chất lượng công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC là việc làm hết sức cần thiết.

Vì vậy, thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục triển khai một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn, cụ thể:

Thứ nhất, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với công tác kiểm soát TTHC. Thực hiện rà soát, bố trí cán bộ, công chức có đủ năng lực chuyên môn, có phẩm chất đạo đức, có kỹ năng và kinh nghiệm giao tiếp làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Thứ hai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa các cấp; thực hiện hướng dẫn đầy đủ nhằm hạn chế tối đa việc tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần; khắc phục tình trạng thiếu công khai, minh bạch thông tin về TTHC; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh những vi phạm trong việc tiếp nhận và giải quyết TTHC; Thường xuyên tập huấn nghiệp vụ về công tác kiểm soát TTHC, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC cho công chức đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC và cán bộ, công chức tại Bộ phận Một cửa các cấp .

Thứ ba, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết TTHC. Thực tế trong thời gian qua việc giải quyết TTHC vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đối với các lĩnh vực liên quan đến chức năng, thẩm quyền, nhất là các TTHC giải quyết theo hình thức liên thông. Vì vậy, giải pháp tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết TTHC, cũng như xây dựng quy chế phối hợp trong giải quyết TTHC sẽ tránh được tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, từ đó chủ động trong việc thực hiện và kết hợp tốt với các cơ quan để rút ngắn thời gian cho ra kết quả cuối cùng, tiết kiệm được thời gian, chi phí cũng như hạn chế được tiêu cực phát sinh trong giải quyết TTHC.

Thứ tư, quán triệt việc niêm yết, công khai, minh bạch TTHC. TTHC không phải là bất biến mà có thể thay đổi do sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật, nên việc cập nhật, niêm yết phải thường xuyên để tránh niêm yết TTHC đã hết hiệu lực, không còn phù hợp. Thực hiện niêm yết công khai TTHC tại trụ sở cơ quan trực tiếp tiếp nhận, giải quyết TTHC, công khai TTHC trên Cổng thông tin điện tử của từng cơ quan, Cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC. Bên cạnh đó, công chức đầu mối kiểm soát TTHC phải có trách nhiệm thường xuyên phối hợp với công chức phụ trách lĩnh vực TTHC để kịp thời công khai, niêm yết TTHC.

Thứ năm, đẩy mạnh thực hiện rà soát, đơn giản hóa TTHC tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện TTHC. Hằng năm, phải xây dựng kế hoạch rà soát, đánh giá theo các bước: Xác định phạm vi rà soát; tính toán chi phí tuân thủ của TTHC được thực hiện bằng cách chia nhỏ quy trình thực hiện TTHC để ước tính chi phí phải bỏ ra của đối tượng thực hiện TTHC. Xác định danh mục rà soát, đánh giá TTHC trọng tâm theo từng năm, đồng thời căn cứ trên cơ sở phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về TTHC, chú trọng các nhóm quy định TTHC thuộc lĩnh vực thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, lĩnh vực đầu tư, nhóm quy định, TTHC thuộc lĩnh vực đất đai, khoáng sản đồng thời giao cụ thể số lượng kiến nghị hoặc phương án đơn giản hóa cho từng công chức phụ trách lĩnh vực TTHC để chất lượng rà soát, đánh giá TTHC đạt chất lượng, yêu cầu, mục tiêu theo quy định.

Thứ sáu, đẩy mạnh việc tuyên truyền, hỗ trợ người dân trong việc thực hiện khai thác thông tin, nộp hồ sơ TTHC và thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công của tỉnh để đẩy mạnh tỷ lệ phát sinh hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến, góp phần chuyển đổi tư duy, nhận thức trên cơ sở chấp nhận dữ liệu số, sử dụng lại dữ liệu số nhằm nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả cải cách TTHC.

Để từng bước nâng cao chất lượng công tác kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh cần phải có sự phối hợp đồng bộ, quyết tâm cao của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị; đồng thời cán bộ, công chức cần phải xác định việc giải quyết TTHC là thực hiện trách nhiệm với Nhân dân, vì mọi hoạt động của cơ quan nhà nước đều hướng tới phục vụ Nhân dân, khẳng định được Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân, tất cả đều hướng đến mục tiêu xây dựng một nền hành chính công khai, minh bạch, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của đất nước nói chung và của tỉnh Bắc Kạn nói riêng./.

Đồng Vân