Tăng cường công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, Đề án 06, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao sự hài lòng của tổ chức, cá nhân; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ phận Một cửa các cấp. Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình tại Hội nghị giao ban công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 chiều ngày 15/3/2024.

Chủ trì hội nghị Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC, Chuyển đổi số tỉnh Nguyễn Đăng Bình; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng đồng chủ trì Hội nghị; thành viên Ban chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 cấp tỉnh.

Hội nghị đã đánh giá kết quả triển khai công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 trong quý I, phương hướng nhiệm vụ quý II năm 2024. Theo đó, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành ở Trung ương và chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo đã tư vấn, đề xuất UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, triển khai thực hiện; tổ chức thẩm định và điều tra xã hội học về cải cách hành chính, về chuyển đổi số đối với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn thông qua các bộ chỉ số do UBND tỉnh ban hành.

Theo kết quả xác định Chỉ số cải cách hành chính các sở, ban, ngành năm 2023 trung bình các đơn vị đạt 90,766/100 điểm (cao hơn so với năm 2022); 19/19 đơn vị đạt từ 80 điểm trở lên (đạt loại tốt). Trong đó, 3 sở, ngành đứng tốp đầu gồm: Sở Giao thông Vận tải xếp thứ nhất, Sở Kế hoạch và Đầu tư xếp thứ 2 và Thanh tra tỉnh xếp thứ 3. Đối với cấp huyện năm 2023, điểm trung bình đạt 82,609/100 điểm (thấp hơn so với năm 2022); có 05/8 đơn vị đạt điểm 80 trở lên; 3 đơn vị đạt điểm từ 70 đến dưới 80 điểm. Trong đó, thành phố Bắc Kạn xếp thứ nhất, huyện Ngân Sơn xếp thứ nhì và huyện Chợ Mới xếp thứ 3…..

Về kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số năm 2023: Tổng điểm trung bình của cấp sở, ngành tăng 39 điểm; cấp huyện tăng 185,33 điểm; xã, phường, thị trấn tăng 82,984 điểm so với năm 2022. Theo đó: đối với các sở, ngành cấp tỉnh có 15 đơn vị mức xếp hạng nâng cao; 4 đơn vị mức xếp hạng hình thành; 2 đơn vị mức xếp hạng khởi động. Đối với cấp huyện: 2 đơn vị mức xếp hạng nâng cao; 6 đơn vị xếp hạng hình thành. Đối với cấp xã: 13 đơn vị mức xếp hạng nâng cao; 75 đơn vị mức xếp loại hình thành; 16 đơn vị mức xếp loại khỏi động; 4 đơn vị không xếp hạng.


Đại tá Nguyễn Thanh Tuân - Phó Giám đốc Công an tỉnh báo cáo kết quả thực hiện Đề án 06

Đối với Đề án 06, việc thực hiện dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên môi trường điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin nhóm tiện ích phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên địa bàn tỉnh đã góp phần giải quyết TTHC cho người dân nhanh chóng, hiệu quả và phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước. Việc áp dụng giải pháp “Ngày dịch vụ công trực tuyến” thông qua các mô hình cụ thể đã đem lại hiệu quả và tạo hiệu ứng tốt trong Nhân dân, góp phần tăng tỷ lệ hồ sơ phát sinh qua DVCTT trên địa bàn tỉnh, như mô hình “Ngày thứ Hai không giấy và không dùng tiền mặt” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; Mô hình “Thủ tục hành chính không chờ” tại các đơn vị cấp xã của các huyện, thành phố; Mô hình “Ngày thứ Bảy vì dân”…..


Ông Lèng Văn Chiến - Giám đốc Sở Giao thông vận tải phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, lãnh đạo các đơn vị, sở, ngành, địa phương đã thảo luận, đánh giá làm rõ kết quả thẩm định xếp hạng, những thuận lợi, khó khăn trong việc tự đánh giá, chấm điểm và thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp khắc phục, thực hiện tốt hơn các nhiệm chuyển đổi số, Đề án 06 và công tác cải cách hành chính năm 2024.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình kết luận Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình yêu cầu: Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch nhiệm vụ chuyển đổi số, trong đó cần xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, tiến độ thực hiện, nâng cao thứ hạng DTI của tỉnh. Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố khẩn trương xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số tại đơn vị, địa phương đảm bảo phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố nghiên cứu triển khai áp dụng một số mô hình chuyển đổi số như: Mô hình “Thư viện điện tử, phòng học Thông minh” tại các trường học; mô hình “Thôn thông minh”…; chỉ đạo, hướng dẫn Tổ công nghệ số cộng đồng để phát huy vai trò, hiệu quả…

Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành rà soát các nhiệm vụ CCHC đạt điểm thấp, tìm ra nguyên nhân để chủ động khắc phục hạn chế. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC. Tiếp tục rà soát hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu để sẵn sàng kết nối chia sẻ dữ liệu; rà soát, kiến nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục rà soát, tái cấu trúc quy trình TTHC gắn với hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh để cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho tổ chức cá nhân hiệu quả, thực chất; giảm chi phí xã hội; các cơ quan, đơn vị từ thực tiễn tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính có các sáng kiến, giải pháp thông qua các mô hình cụ thể; chủ động phát động phong trào thi đua gắn với cải cách hành chính, chuyển đổi số….

Các cơ quan, đơn vị tập trung hoàn thiện các nhiệm vụ liên quan đến Đề án 06; tập trung hoàn thiện, ưu tiên làm trước, dứt điểm các nhiệm vụ liên quan trực tiếp với người dân, doanh nghiệp như việc đồng bộ, làm sạch dữ liệu hộ tịch, thuế, bảo hiểm, giáo dục, y tế, lao động việc làm, số thuê bao di động ngay trong năm 2024 và dữ liệu đất đai chậm nhất trong năm 2025 để phục vụ kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh thực hiện 2 nhóm dịch vụ công liên thông trên địa bàn tỉnh theo phân công, chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 1485/UBND-NCPC ngày 11/3/2024; tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám bệnh chữa bệnh thực hiện liên thông dữ liệu Giấy khám sức khoẻ lái xe và liên thông dữ liệu Giấy chứng sinh, Giấy báo tử lên Cổng giám định BHYT theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; đôn đốc, chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện khám bệnh, chữa bệnh BHYT bằng CCCD và thực hiện thanh toán tiển khám chữa bệnh không dùng tiền mặt; thực hiện mô hình điểm của Đề án 06: “Khám chữa bệnh sử dụng căn cước công dân và VneID” và “Triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại cơ sở khám chữa bệnh”…../.

Nguyễn Hòa