Ngày 18/8, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính: Kinh nghiệm của Pháp và thực tiễn triển khai tại Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến đến hơn 1.000 điểm cầu các tỉnh, thành và huyện, thành phố.
Tại điểm cầu Bắc Kạn có sự tham dự của lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn.
Các đại biểu dự Hội thảo tại điểm cầu Bắc Kạn
Tại Hội thảo, đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ nêu các thông tin tổng quan về số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính. Theo đó, nguyên tắc chính là lấy người dùng (người dân, doanh nghiệp, cán bộ công chức trong hệ thống) làm trung tâm, cải cách thủ tục hành chính là dẫn dắt, công nghệ thông tin là phương tiện, công cụ thúc đẩy, hỗ trợ giúp người dùng thực hiện thủ tục hành chính thuận lợi, dễ dàng. Thông qua đó nhằm góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, hướng tới việc người dân chỉ cần cung cấp thông tin, giấy tờ một lần, góp phần hình thành công chức điện tử, công dân số, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Hiện nay, mặc dù Chính phủ đã có những nghị định, nghị quyết yêu cầu triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi tiếp nhận của bộ phận một cửa cấp bộ, cấp tỉnh từ ngày 1/6/2022 nhưng chỉ có khoảng 6,72% hồ sơ cấp kết quả điện tử; 19% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa và tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa là 0%. Đây là những điều cần quan tâm để các cấp, các ngành, địa phương khắc phục.
Yêu cầu của việc đổi mới thủ tục hành chính hiện nay cần gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Tăng cường phân cấp, tạo chủ động, sáng tạo, áp dụng mô hình mới, cách làm hay trong thực hiện thủ tục hành chính. Tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Đồng thời tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng phục vụ và chỉ đạo, điều hành, giám sát, đánh giá dựa trên dữ liệu theo thời gian thực.
Đại diện Đại sứ quán Pháp cũng đã có những chia sẻ về kinh nghiệm của Pháp về số hóa, chuẩn hóa biểu mẫu và có những ý kiến, trao đổi về việc triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu của Việt Nam.
Hội thảo có ý nghĩa thiết thực với Đề án đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và Đề án phát triển dữ liệu dân cư định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030, phù hợp với định hướng triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam./.