Đó là mã số vùng trồng lúa được cấp cho vùng trồng lúa tại 3 thôn của xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn. Với sự hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), xã Yên Phong đã thực hiện các quy trình để được cấp mã vùng trồng lúa với diện tích 8,26 ha.


Mô hình trồng lúa hữu cơ ở xã Yên Phong 

Xã Yên Phong là địa phương có nhiều lợi thế về thổ nhưỡng, kinh nghiệm sản xuất. Năm 2022, từ nguồn kinh phí Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa, xã Yên Phong được Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) và Quản lý chất lượng lựa chọn thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ. Mô hình được triển khai thực hiện tại 5 thôn: Pác Là, Phiêng Quắc, Pác Toong, Khau Tọoc, Bản Tắm với quy mô 90 hộ tham gia thực hiện trên diện tích 17,2 ha, sử dụng giống lúa J02 trong vụ xuân và giống bao thai vào vụ mùa.

Quá trình triển khai, Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng đã phối hợp với UBND xã tiến hành khảo sát, lựa chọn địa điểm thực hiện mô hình, trực tiếp cầm tay chỉ việc, chuyển giao kỹ thuật canh tác lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ vào 3 giai đoạn chính của cây lúa; kỹ thuật xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Hướng dẫn ghi chép sổ nhật ký sản xuất, lưu trữ hồ sơ, phục vụ cho đánh giá cấp chứng nhận hữu cơ của những năm sau.

Là một trong 90 hộ dân tham gia mô hình, bà Ma Thị Vàng tại thôn Pác Toong cho biết, năm 2022, gia đình bà tham gia mô hình với diện tích 0,3 ha. Qua thực tế sản xuất cho thấy, trước đây dùng phân vô cơ, cây lúa phát triển nhanh nhưng sau một thời gian bị bệnh đạo ôn, cây lúa không cứng cáp, không đẻ nhánh. Khi tham gia mô hình, sử dụng phân hữu cơ vào sản xuất, cây lúa phát triển từ từ, đẻ nhánh khỏe, cây cứng cáp và sạch bệnh, bông lúa rất đều và chắc hạt.

Với sự hỗ trợ tích cực của cơ quan chuyên môn, người dân từng bước làm quen và nắm bắt được các quy trình về kỹ thuật sản xuất lúa theo chuẩn hữu cơ, góp phần vào thành công của mô hình. Năm 2022, năng suất lúa sản xuất theo chuẩn hữu cơ đạt trung bình 50 - 55 tạ/ha, nhiều hộ làm tốt năng suất đạt 60 tạ/ha. Toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch đều có doanh nghiệp bao tiêu. Triển vọng từ mô hình, nhiều hộ dân xã Yên Phong đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ Yên Phong.

Năm 2023, mô hình tiếp tục thực hiện trên diện tích 8,26 ha tập trung ở một khu đồng thuộc thôn Pác Toong, Phiêng Quắc, Pác Là với 47 hộ tham gia.  Ngoài ra, vụ mùa năm 2023, Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng đã tiếp tục thực hiện mô hình áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 30 ha tại thôn Pác Cộp, Nà Chợ, Nà Tấc, Nà Mạng, Khuổi Xỏm với 130 hộ tham gia.

Sau nhiều nỗ lực, tháng 6/2023, Công ty Cổ phần Chứng nhận và kiểm nghiệm FAO đã cấp giấy chứng nhận cho Tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ Yên Phong đạt tiêu chuẩn hữu cơ, quy mô 8,26 ha cho 47 hộ ở các thôn Phiêng Quắc, Pác Toong, Pác Là.

Với sự hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng, tháng 10/2023, xã Yên Phong đã được cấp mã số vùng trồng lúa với diện tích 8,26 ha, tại các thôn Phiêng Quắc, Pác Toong, Pác Là; sản lượng dự kiến: 95 tấn/năm; tiêu chuẩn áp dụng là Tiêu chuẩn Hữu cơ Việt Nam.

Hiện nay, người tiêu dùng trong nước ngày càng quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng các mặt hàng nông sản được bày bán trên thị trường. Việc cấp MSVT sẽ tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm gạo được sản xuất tại xã Yên Phong; đồng thời góp phần giúp người dân dần chuyển đổi phương thức canh tác thông thường sang sản xuất lúa hữu cơ, sản phẩm tạo ra đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng theo yêu cầu của các thị trường lớn./.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh