Ngày 01/02/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước (thay thế Nghị định số 201/NĐ-CP ngày 27/11/2013), có hiệu lực thi hành từ ngày 20/3/2023. Theo đó, lĩnh vực tài nguyên nước sẽ có thêm một số thủ tục hành chính mới.


 

Nhằm tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 201/2013/NĐ-CP. Ngày 01/02/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2023/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 20/3/2023), thay thế Nghị định số 201/2013/NĐ-CP. Theo đó, lĩnh vực tài nguyên sẽ có thêm các thủ tục hành chính (TTHC) sau:

1. Thủ tục Đăng ký khai thác sử dụng nước mặt, nước biển, nước dưới đất: Nghị định số 201/2013/NĐ-CP trước đây chỉ quy định về việc đăng ký khai thác nước dưới đất, không quy định về việc đăng ký khai thác nước mặt và nước biển. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên nước, Nghị định số 02/2023/NĐ-CP đã bổ sung nội dung Đăng ký khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển. Đây cũng là một trong những điểm mới và nổi bật của Nghị định số 02/2023/NĐ-CP. Các trường hợp công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký được quy định chi tiết tại khoản 1 Điều 17 của Nghị định số 02/2023/NĐ-CP. Hàng năm, UBND cấp xã thực hiện rà soát, lập danh sách tổ chức, cá nhân có công trình khai thác nước mặt, nước biển, nước dưới đất thuộc diện phải đăng ký trên địa bàn; thông báo và hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân biết và thực hiện việc đăng ký. Thời hạn giải quyết TTHC này tối đa 10 ngày làm việc (trừ trường hợp sử dụng nước dưới đất tự chảy trong moong khai thác khoáng sản để tuyển quặng mà không gây hạ thấp mực nước dưới đất hoặc bơm hút nước để tháo khô lượng nước tự chảy vào moong khai thác khoáng sản thì thời gian giải quyết TTHC là 15 ngày làm việc), trình tự thưc hiện thủ tục được quy định cụ thể tại Điều 38 (đối với trường hợp Đăng ký khai thác sử dụng nước dưới đất) và Điều 39 (đối với trường hợp đăng ký khai thác sử dụng nước mặt, nước biển) của Nghị định số 02/2023/NĐ-CP.

2. Thủ tục trả lại Giấy phép: Theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 02/2023/NĐ-CP “Giấy phép tài nguyên đã được cấp nhưng chủ giấy phép không sử dụng hoặc không có nhu cầu sử dụng tiếp thì có quyền trả lại cho cơ quan cấp giấy phép và thông báo lý do” hoặc “Giấy phép tài nguyên nước đã cấp nhưng quy mô công trình thay đổi dẫn đến thay đổi thẩm quyền cấp giấy phép thì chủ giấy phép trả lại giấy phép đã được cấp cho cơ quan có thẩm quyền sau khi được cấp giấy phép mới. Thời hạn giải quyết TTHC tối đa là 10 ngày làm việc. Thành phần hồ sơ quy định tại Điều 34, trình tự thực hiện thủ tục quy định chi tiết tại Điều 37 Nghị định số 02/2023/NĐ-CP.

Ngoài việc quy định các TTHC mới,  Nghị định số 02/2023/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung 07 TTHC cấp trung ương, 08 thủ tục hành chính cấp tỉnh và 02 TTHC cấp huyện đã ban hành nhằm đơn giản hóa và phù hợp với các quy định hiện hành.

Trên cơ sở Nghị định số 02/2023/NĐ-CP, ngày 01/3/2023 Bộ Tài nguyên đã ban hành Quyết định số 438/QĐ-BTNMT công bố thủ tục hành chính mới ban hành; thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Như vậy, sau10 năm triển khai thực hiện Luật Tài nguyên nước, các TTHC lĩnh vực tài nguyên nước cũng đã có những thay đổi đáng kể. Việc ban hành các TTHC mới và sửa đổi các TTHC đã ban hành sẽ tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước thuận lợi và đơn giản hơn. Đồng thời, giúp các cơ quan quản lý nhà nước nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước từ đó góp phần bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả./.

Nguyễn Tâm