Chiều 30/8, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng cùng các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh dự phiên họp chuyên đề lần thứ 2 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số với chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực”.


Các đại biểu tham dự Phiên họp tại điểm cầu Bắc Kạn

Phát biểu tại Phiên họp, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã lan tỏa thông điệp và tầm quan trọng của kinh tế số là một trong ba trụ cột của chuyển đổi số, là công cụ giúp bình ổn và tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025 như Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra, ước tính kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3 - 4 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20 - 25%/năm. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần có giải pháp đột phá mới có thể đạt được.

Tại Phiên họp, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã tham luận, chỉ ra các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình phát triển kinh tế số vừa qua; chia sẻ kinh nghiệm, bàn giải pháp tháo gỡ tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đồng thời chỉ ra các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung triển khai trong thời gian tới.

Cụ thể, xác định rõ kinh tế số là công cụ để tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế với các tác động tiêu cực từ bên ngoài. Phát triển kinh tế số với không gian tăng trưởng chủ yếu đến từ chuyển đổi số ngành, lĩnh vực. Nền tảng số là cách tiếp cận đột phá để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Cách tiếp cận 4 bên hợp tác chặt chẽ để phát triển và thúc đẩy sử dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia (gồm: Bộ chủ quản xây dựng tính năng, đặt hàng doanh nghiệp công nghệ nòng cốt phát triển nền tảng; Bộ Thông tin và Truyền thông là cầu nối chia sẻ để doanh nghiệp tiếp cận được tới các bài toán; doanh nghiệp nền tảng; địa phương).

Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp thúc đẩy hệ sinh thái các nền tảng. Nghiên cứu phương pháp để ước tính và đo lường các chỉ tiêu về kinh tế số. Xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý của các nền tảng số. Thúc đẩy tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh tại các địa phương. Mỗi vùng kinh tế trọng điểm hình thành ít nhất một trung tâm dữ liệu lớn vùng và một trung tâm chuyển đổi số vùng, tập trung các doanh nghiệp số, phát triển, thí điểm các giải pháp số, sản phẩm số, bồi dưỡng nguồn nhân lực số của vùng; giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất về chuyển đổi số để tiếp tục lan tỏa đến các địa phương trong vùng...

Các giải pháp đưa ra tại Phiên họp được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số Việt Nam nói chung, thúc đẩy phát triển nền tảng số và chuyển đổi số doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực trong những tháng cuối năm 2023 nói riêng./.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh