Sáng 8/10, tại Hội trường tỉnh Bắc Kạn, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến tới tất cả các địa phương trong tỉnh về chuyển đổi số năm 2024.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu cấp tỉnh có Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế số - Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Anh Tuấn; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Thị Lộc; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Thu Trang; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh cùng lãnh đạo các doanh nghiệp bưu chính - viễn thông, công nghệ thông tin và ngân hàng thương mại hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Triển khai công tác chuyển đổi số đồng bộ, xuất phát từ nhu cầu và yêu cầu thực tế
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình khẳng định, sau gần 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 09-CT/TU của Tỉnh ủy Bắc Kạn về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các chương trình, kế hoạch, đề án của UBND tỉnh, đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai công tác chuyển đổi số đồng bộ, xuất phát từ nhu cầu và yêu cầu thực tế để thực hiện. Nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân về chuyển đổi số đã có sự chuyển biến tích cực.
Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số các cấp; sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, địa phương; sự nỗ lực, chung tay đồng hành, tham gia có hiệu quả của các doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin; sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp đã đóng góp vào những kết quả rất đáng khích lệ trong thời gian qua.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ ra hạn chế, khó khăn, thách thức trong công tác chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn. Nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về chuyển đổi số còn chưa thực sự đầy đủ, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ số; kỹ năng số cơ bản và thói quen sử dụng công nghệ số còn hạn chế. Việc kết nối, chia sẻ và đưa vào khai thác sử dụng các dịch vụ chia sẻ dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin có phạm vi từ Trung ương đến địa phương còn chậm, chưa khai thác sử dụng một cách đồng bộ, hiệu quả. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được thanh toán trực tuyến chưa cao do người dân đã quen với việc thanh toán trực tiếp. Kinh tế số, xã hội số chưa có bước chuyển biến rõ nét; tỷ trọng kinh tế số trong tổng quy mô GRDP của tỉnh so các các tỉnh, thành phố chưa cao; mức độ chuyển đổi số trong các doanh nghiệp còn chậm. Nguồn nhân lực tham mưu, phụ trách hoạt động chuyển đổi số tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn thiếu; hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn chưa thật sự hiệu quả.
5 tham luận được trình bày tại Hội nghị
Tham luận của Bộ TT&TT mang lại cho tỉnh nhiều bài học kinh nghiệm để áp dụng vào thực tiễn công tác chuyển đổi số
Trong phần thảo luận, các đại biểu đã nhìn nhận, phân tích, đánh giá lại những khó khăn, hạn chế để cùng nhau trao đổi, thảo luận và đưa ra các hướng giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn phát triển. Đặc biệt, Hội nghị đã nghe nhiều kinh nghiệm quý báu từ sự chia sẻ thông tin, định hướng của Phó Vụ Trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Anh Tuấn với chủ đề: “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.
Hội nghị đã nghe Phó Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT IT Lê Xuân Sơn tham luận về "Trung tâm dữ liệu - Hạ tầng số đổi mới sáng tạo"; Giám đốc tư vấn giải pháp chuyển đổi số chính phủ - Công ty TNHH FPT IS Lê Bá Huy tham luận về "Định hướng chuyển đổi số hướng đến công dân các tỉnh, thành phố"; Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Lê Ngọc Quyến tham luận về kết quả xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số của huyện Chợ Mới; ông Vũ Việt Hưng, đại diện Tổ công nghệ số cộng đồng phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn tham luận về kết quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại phường năm 2024.
Tổng kết trao giải Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về chuyển đổi số năm 2024
Ban Tổ chức trao giải tập thể Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn năm 2024
Tại Hội nghị, Ban Tổ chức “Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn năm 2024” đã công bố Quyết định công nhận kết quả và trao giải thưởng Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn” năm 2024.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 26/8 - 26/9/2024 thu hút 27.002 người dự thi, trong đó có 6.660 người dân, 20.342 cán bộ công chức, viên chức tham gia, tăng gần 6.000 người so với năm 2023; có 72 giải thưởng tập thể, cá nhân được trao tặng.
Giải thưởng dành cho cá nhân thuộc đối tượng dự thi thuộc nhóm 1 gồm 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 5 giải Ba và 10 giải Khuyến khích; giải Nhất thuộc về ông Nông Thanh Nghị (Công an xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm). Giải thưởng dành cho cá nhân thuộc đối tượng nhóm 2 gồm 1 giải Nhất, 5 giải Nhì, 10 giải Ba và 15 giải Khuyến khích; giải Nhất thuộc về bà Nguyễn Thị Lin (tiểu khu 5, thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể).
Nhiệm vụ chuyển đổi số 3 tháng cuối năm 2024
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình tiếp thu và giao Sở Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh nghiên cứu các ý kiến đề xuất của đại biểu để tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới. Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm phối hợp, tạo điều kiện, giúp đỡ về chuyên môn từ Bộ Thông tin và Truyền thông nói chung và Vụ Kinh tế số, Xã hội số nói riêng cũng như sự đồng hành, hỗ trợ, tư vấn từ các doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin đối với hoạt động chuyển đổi số của tỉnh Bắc Kạn.
Về nhiệm vụ chuyển đổi số 3 tháng cuối năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục bám sát chủ đề chuyển đổi số năm 2024 là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số” để tập trung chỉ đạo, đôn đốc triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh và của cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo phấn đấu đạt các chỉ tiêu chung đã đề ra./.