Năm 2024, tỉnh tập trung ưu tiên các nhiệm vụ, dự án chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, hoạt động cải cách hành chính và Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.
Chuyển đổi số tiếp tục được xác định là điều kiện quan trọng để tạo bước đột phá thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, trong năm 2024, tỉnh bố trí trên 83 tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ triển khai một số dự án hạ tầng số, nền tảng số, sản xuất các sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi số...
Đồng bào dân tộc Dao thôn Bản Cuôn, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn được cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn cài đặt và sử dụng các ứng dụng thanh toán qua môi trường mạng
Tỉnh cũng đặt ra 9 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ, Nhân dân về chuyển đổi số; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chuyển đổi số để tiếp tục nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả công tác, chất lượng đời sống Nhân dân để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong triển khai thực hiện.
Về thể chế, chính sách, tỉnh sẽ nghiên cứu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn đồng hành cùng chính quyền các cấp trong công cuộc chuyển đổi số; huy động nguồn lực doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh phát triển. Khuyến khích, sẵn sàng thử nghiệm các ứng dụng công nghệ thông tin, các mô hình quản lý, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục triển khai các hệ thống đảm bảo hạ tầng chung và hoàn thiện hạ tầng số. Mở rộng chương trình phổ cập điện thoại thông minh cho người dân tiến tới mục tiêu “Mỗi người dân trưởng thành có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình có khả năng tiếp cận một đường Internet cáp quang băng rộng”. Vận động các doanh nghiệp viễn thông nghiên cứu, triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng đường truyền, dịch vụ mạng; từng bước phủ sóng, giảm tình trạng lõm sóng, sóng không ổn định nhất là tại khu vực vùng sâu, vùng xa.
Về xây dựng nền tảng số, tỉnh đặt ra nhiệm vụ hoàn thành Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) và thực hiện kết nối các hệ thống thông tin, chia sẻ dữ liệu của tỉnh qua LGSP; liên thông với kho dữ liệu dùng chung của tỉnh và các hệ thống khác. Tiếp tục hoàn thiện các hệ thống thông tin theo hướng nền tảng của các ngành Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Du lịch... Nghiên cứu, triển khai ứng dụng các nền tảng số quốc gia do các bộ, ngành triển khai.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn thông tin mạng, năm 2024, tỉnh triển khai Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) và kết nối với Trung tâm giám sát an ninh mạng quốc gia (NCSC) do Bộ Thông tin và Truyền thông vận hành. Tổ chức các chương trình diễn tập, tập huấn bảo đảm an toàn thông tin mạng theo quy định. Tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng và phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ cho 100% hệ thống thông tin của tỉnh; thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ an toàn thông tin theo quy định.
Về chính quyền số, nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, nâng cao trải nghiệm của người dùng, mở rộng các mô hình giải quyết thủ tục hành chính không giấy tờ, không thanh toán tiền mặt. Tiếp tục hoàn thiện chức năng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo kết nối, đồng bộ dữ liệu chính xác với các hệ thống giám sát của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trong nhiệm vụ phát triển kinh tế số, tỉnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ số khai thác, sử dụng dữ liệu và tham gia hoạt động trên địa bàn tỉnh. Thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương.
Đặc biệt, tỉnh sẽ tích cực phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng, của Đoàn Thanh niên trong tuyên truyền, hỗ trợ người dân sử dụng các ứng dụng số cơ bản, thiết thực hiện nay như thiết lập tài khoản VneID, định danh điện tử mức độ 2, cài đặt tài khoản dịch vụ công trực tuyến và tài khoản thanh toán trực tuyến; phối hợp tuyên truyền, nâng cao kỹ năng số cho người dân…
Tại Hội nghị giao ban công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính, Đề án 06 tháng 3/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình nhấn mạnh, chuyển đổi số thành công sẽ là giải pháp mang tính nền tảng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII. Do vậy, các sở, ban, ngành, địa phương không lơ là, cần tập trung, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại; các chỉ tiêu khó hoàn thành cần nỗ lực triển khai thực hiện nhằm hoàn thành bảo đảm tiến độ, chất lượng; đầu tư phải trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực, vấn đề ưu tiên và phải thực hiện trên tinh thần tích cực, chủ động, quyết tâm, quyết liệt./.