Nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách thủ tục hành chính của tỉnh năm 2025 là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.


Công dân giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh

Mục tiêu Kế hoạch số 109/KH-UBND ngày 21/02/2025 cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trọng tâm năm 2025 nhằm quán triệt, triển khai chỉ đạo của Bộ Chính trị về công tác cải cách TTHC tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và các nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024 và các chương trình, kế hoạch, đề án, văn bản được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, bảo đảm thực hiện có kết quả, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong năm 2025 và giai đoạn 2021 - 2025.

Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc ban hành quy định TTHC trong các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động chính sách, TTHC, nâng cao hiệu quả việc tham vấn đối tượng chịu tác động, công tác thẩm định, thẩm tra theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC thực chất, hiệu quả, trong đó tập trung đề xuất cắt giảm giấy phép, loại bỏ ngay những quy định, TTHC đang là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân để tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đổi mới toàn diện việc giải quyết TTHC; đẩy mạnh triển khai việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC không phụ thuộc địa giới hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, cá nhân hoá và dựa trên dữ liệu.

Gắn kết chặt chẽ giữa cải cách TTHC với chuyển đổi số, triển khai Đề án 06, hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ, đổi mới tư duy, hành động; áp dụng các giải pháp, mô hình, cách làm hay đã thí điểm triển khai trong năm 2024 để nhân rộng thực hiện trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo; mạnh dạn thí điểm các sáng kiến, giải pháp mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển.

Tăng cường giám sát, đánh giá và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong phục vụ Nhân dân; nâng cao chất lượng đôi ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác cải cách TTHC.

Bên cạnh đó yêu cầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm chính trị, nỗ lực, hành động của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo tổ chức thực hiện, ưu tiên nguồn lực triển khai. Xác định kết quả triển khai Kế hoạch này là một trong các căn cứ để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương năm 2025 và giai đoạn 2021 - 2025.

Cải cách TTHC xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Thực hiện chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử thông qua việc sử dụng các nền tảng, dữ liệu số được kết nối, chia sẻ đồng bộ thông suốt giữa các bộ, ngành, địa phương và trong nội bộ cơ quan, tổ chức.

Các đơn vị, địa phương xác định rõ trách nhiệm và chủ động tổ chức triển khai Kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan, kịp thời phản ánh những vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

Kịp thời đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch; nắm bắt, chỉ đạo xử lý tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, TTHC là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, sự tham gia của các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác truyền thông tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân.

Tại Kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn: Căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể được nêu tại Kế hoạch tổ chức triển khai các nhiệm vụ được phân công đảm bảo chất lượng, tiến độ thực hiện; mạnh dạn áp dụng các sáng kiến, ứng dụng khoa học, công nghệ, phương pháp tiên tiến trong triển khai; tăng cường phối hợp, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong triển khai với các đơn vị, địa phương khác; chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác cải cách TTHC, giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác truyền thông trong cải cách TTHC để người dân, doanh nghiệp biết và đồng hành.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương sau khi sắp xếp, hợp nhất tổ chức bộ máy chủ động thực hiện, bảo đảm kế thừa các kết quả đã triển khai, không làm gián đoạn việc quản lý, theo dõi, tiếp nhận, giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp./.

Thu Hiền