Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các trường học trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp khi có nhiều ca bệnh F0 phát hiện trong giáo viên và học sinh. Trước tình hình đó, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chủ động, linh hoạt trong việc ứng phó, triển khai các hoạt động dạy học nhằm đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh, đồng thời đảm bảo hoàn thành chương trình đề ra.


Cán bộ Phòng GD&ĐT thành phố Bắc Kạn dự giờ một buổi học trực tuyến 

Trong những ngày qua, trên địa bàn thành phố Bắc Kạn xuất hiện nhiều ca bệnh F0, trong đó có nhiều trường hợp là học sinh. Theo thống kê của Sở GD&ĐT, hiện thành phố Bắc Kạn có 50 giáo viên, nhân viên và học sinh đang mắc Covid-19. Đối với những lớp có tình hình dịch bệnh phức tạp, Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường triển khai dạy học trực tuyến, đồng thời tận dụng tối đa thời gian khi dịch bệnh được kiểm soát để tổ chức dạy học trực tiếp. Tuy nhiên, khi học trực tiếp, các biện pháp phòng chống dịch cần được quan tâm đặt lên hàng đầu để đảm bảo an toàn cho cả giáo viên và học sinh khi đến trường.

Trường Tiểu học Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn hiện đang có số ca bệnh F0 trong học sinh tăng nhanh trong những ngày gần đây. Đến ngày 13/2, trường có 33 học sinh F0, trong đó có 3 em đã được điều trị khỏi. Cô giáo Trương Thị Vũ Hằng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đức Xuân cho biết, để ứng phó với tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, nhà trường đã xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, đồng thời xin ý kiến phụ huynh để quyết định hình thức dạy học cho phù hợp. Theo đó, từ ngày 14 - 19/2, Trường Tiểu học Đức Xuân có 30 lớp học trực tuyến và 1 lớp học trực tiếp. Đối với các lớp học trực tiếp, nhà trường đảm bảo khoảng cách cho học sinh, đồng thời thực hiện tốt yêu cầu 5K, đo thân nhiệt, sát khuẩn cho học sinh đầy đủ để các em yên tâm đến trường.

Trên địa bàn thành phố, tính đến sáng ngày 14/2, Trường Trung học cơ sở Đức Xuân có 9 học sinh F0 chưa xác định được nguồn lây. Hiện nhà trường đã triển khai dạy học trực tuyến đối với tất cả các lớp. Một số lớp thuộc các các trường: Tiểu học Phùng Chí Kiên, Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, Tiểu học Sông Cầu, Trung học cơ sở Huyền Tụng, Trung học cơ sở Bắc Kạn học sinh sẽ học trực tuyến khi lớp có học sinh F0, những lớp còn lại không có học sinh F0 vẫn tiếp tục học trực tiếp.

Từ ngày 27/4/2021 đến nay, cả tỉnh có hơn 300 cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh mắc Covid-19. Trong đó, có gần 150 ca bệnh đã được điều trị khỏi, số còn lại vẫn đang tiếp tục được theo dõi, cách ly, điều trị. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sầm Văn Du cho biết, việc học sinh và giáo viên bị nhiễm Covid-19 đã ảnh hưởng khá nhiều đến các hoạt động giáo dục nói chung. Học sinh không thể đến trường để học trực tiếp, phải cách ly nên khó khăn cho việc học tập của các em. Đối với giáo viên nếu bị nhiễm Covid-19, các nhà trường phải bố trí lại giáo viên giảng dạy, điều này gây khó khăn cho việc bố trí giáo viên, nhất là với những bộ môn chỉ có 1 giáo viên. Trong bối cảnh của dịch bệnh hiện tại, nhiều trường đã linh hoạt triển khai những hình thức tổ chức dạy học khác nhau, tuy nhiên, hiệu quả đạt được không cao như dạy học trực tiếp.

Để tháo gỡ những khó khăn trước mắt, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị căn cứ đánh giá cấp độ dịch của địa phương để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 và các cơ quan chức năng tổ chức dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến, tận dụng tối đa thời gian dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát. Đồng thời, triển khai các biện pháp phòng chống dịch và xử lý các tình huống của dịch bệnh đảm bảo kịp thời, hiệu quả theo các phương án, kịch bản đã được chuẩn bị từ trước; đặc biệt cần chú trọng phương án xử lý khi có ca bệnh F0 tại các lớp, trường học. Các nhà trường chủ động tuyên truyền cho giáo viên, học sinh, phụ huynh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh quản lý việc học tập của học sinh, theo dõi sức khỏe của con em mình nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để xử lý và ngăn chặn kịp thời.

Cùng với đó, ngành GD&ĐT cũng quan tâm phối hợp với ngành Y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Đến nay, tỷ lệ tiêm từ mũi 1 đến mũi 3 trong học sinh đạt 79,40%; trong cán bộ, giáo viên và nhân viên đạt 98,81%. Thời gian tới, Ngành tiếp tục chỉ đạo các trường, Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố tiếp tục tuyên truyền, vận động học sinh trong độ tuổi đi tiêm phòng đầy đủ để tăng độ bao phủ của vắc xin và dự phòng dịch bệnh từ sớm./.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh