Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp, số ca mắc có xu hướng gia tăng, trong đó có nhiều trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng được điều trị tại nhà.
Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn đang có những diễn biến phức tạp, số ca mắc có xu hướng gia tăng, trong đó có nhiều trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng được điều trị tại nhà.
Để kịp thời quản lý, chăm sóc cho người nhiễm Covid-19 đang điều trị tại nhà và dự phòng các ca nhiễm Covid-19 đến cơ sở điều trị trong tình trạng nặng, rất nặng, UBND tỉnh đã đồng ý cho triển khai thí điểm "Tổng đài tư vấn, hướng dẫn theo dõi sức khỏe người mắc Covid-19 điều trị tại nhà" và phần mềm "Quản lý theo dõi F0 điều trị tại nhà" trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trong thời gian 6 tháng.
Được biết, hiện nay, phần mềm này đã được triển khai áp dụng tại 579 trạm y tế xã/phường, 30 trung tâm y tế quận/huyện và trên 200 trạm thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 nhẹ và không triệu chứng của thành phố Hà Nội.
Hệ thống phần mềm được thiết kế bao gồm các chức năng hỗ trợ cho nhóm người dùng chính như sau:
Với người bệnh mắc Covid-19 (F0): Khai báo thông tin cá nhân, diễn biến sức khỏe ban đầu trên cổng thông tin điện tử của ngành Y tế địa phương; tiếp cận các thông tin, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho F0 và người chăm sóc F0 tại nhà; nhận khuyến cáo, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe dựa trên bộ tiêu chí đánh giá các yếu tố nguy cơ (theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế); nhận tin nhắn SMS chủ động hướng dẫn truy cập, khai báo sức khỏe và tiếp cận với cán bộ y tế trên địa bàn.
Đối với cán bộ, y bác sĩ tại các cơ sở y tế (trạm y tế lưu động, trạm thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19, trạm y tế xã/phường/thị trấn): Tiếp nhận thông tin diễn biến sức khỏe của F0 tại cộng đồng, kiểm tra, xác minh thông tin F0 trên hệ thống; tự động phân tán FO dựa trên các thông tin sàng lọc và đánh giá các chỉ tiêu sức khỏe của người bệnh (trạng thái sức khỏe hiện tại, bệnh sử, tình trạng vắc xin, nhận cảnh báo tự động qua SMS hotline của đơn vị khi F0 khai báo sức khỏe và có chuyển biến xấu, lập phiếu khám bệnh, kê đơn thuốc và cập nhật diễn biến bệnh, thông tin F0 (kết thúc điều trị, chuyển cấp cứu, xác nhận kết thúc điều trị... ); quản lý hồ sơ bệnh án Covid-19 cộng đồng.
Việc triển khai áp dụng phần mềm này vào hoạt động quản lý, chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà sẽ mang lại nhiều lợi ích như: Người bệnh F0, người nghi ngờ mắc F0, người F0 cần hỗ trợ khẩn cấp… được tiếp cận với dịch vụ y tế, được chăm sóc và điều trị kịp thời; giúp các cơ sở y tế thực hiện công tác điều trị nhanh chóng, hỗ trợ cơ quan quản lý có thông tin và dữ liệu phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành; góp phần giảm tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế khi phải tiếp nhận điều trị tại tầng 2, tầng 3… Từ đó, giúp các cơ sở y tế nâng cao chất lượng chăm sóc cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch và giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh Covid-19.
UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thành phố, Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả; kết thúc thời gian thí điểm, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất phương án trong thời gian tiếp theo./.