Tăng cường cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp Phiếu lý lịch tư pháp, đăng ký hộ tịch, công chứng các hợp đồng giao dịch, góp phần nâng cao chỉ số hài lòng người dân, doanh nghiệp. Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình tại Hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2023, triển khai phương hướng nhiệm vụ, giải pháp công tác tư pháp năm 2024 của Ngành tư pháp Bắc Kạn.
Dự và chỉ đạo hội nghị có Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Trần Tiến Dũng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình; Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Văn Lưu; Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Thị Đào. Dự hội nghị có các Phó Giám đốc Sở Tư pháp và công chức, viên chức Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, các tổ chức bổ trợ tư pháp; đại diện các cơ quan khối nội chính, chính quyền địa phương và một số ngành có liên quan.
Năm 2023, Sở Tư pháp tỉnh Bắc Kạn đã chủ động tham mưu, xây dựng Kế hoạch nhằm triển khai đầy đủ các nội dung công tác tư pháp tại địa phương. Theo đó, đã ban hành Kế hoạch công tác Tư pháp năm 2023 với 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện; xây dựng Chương trình, Kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao. Phòng Tư pháp các huyện, thành phố đã chủ động tham mưu cho UBND cùng cấp chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ từ xây dựng Chương trình, Kế hoạch đến tổ chức thực hiện trên cơ sở bám sát sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp và gắn với yêu cầu thực tiễn của địa phương.
Hội nghị Tổng kết công tác tư pháp năm 2023 tỉnh Bắc Kạn
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng sau khi biểu dương, đánh giá kết quả đạt được đã đề nghị cơ quan Tư pháp của tỉnh bám sát phương châm điều hành của Chính phủ là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, với tinh thần “Năm quyết tâm” trong hoạt động công tác, tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao, trong đó cần quan tâm: Chủ động tham mưu, kịp thời đề xuất với Lãnh đạo Tỉnh ủy, Chính quyền địa phương để triển khai đồng bộ các mặt công tác về tư pháp; lưu ý việc tham mưu ban hành các văn bản, kế hoạch triển khai các văn bản QPPL mới ban hành; chủ động đề xuất HĐND, UBND tỉnh báo cáo với Bộ Tư pháp các vướng mắc, bất cập phát sinh; mạnh dạn tham mưu, tư vấn các vấn đề pháp lý khó, phức tạp với Lãnh đạo tỉnh; tập trung nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định văn bản QPPL, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tuân thủ các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực; tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, tiến tới trí tuệ nhân tạo trong thực hiện các mặt công tác, đặc biệt là công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường kiểm tra, thanh tra các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp để chấn chỉnh các công tác, tránh sai sót…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình nhấn mạnh, năm 2023 Ngành tư pháp đã triển khai toàn diện, kịp thời, trách nhiệm các mặt công tác, có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh với “tinh thần chủ động”, “từ sớm, từ xa”, một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật và ấn tượng, cụ thể như:
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo có nhiều đổi mới, bám sát các nhiệm vụ công tác trọng tâm của Bộ, ngành Tư pháp, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quan tâm và quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, chuẩn hóa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo hướng khoa học, thuận lợi, rút ngắn thời gian giải quyết công việc. Tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp tiếp tục được quan tâm kiện toàn; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ được nâng cao, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Ngành đã thực hiện cơ bản tốt vai trò tham mưu giúp HĐND, UBND trong công tác xây dựng pháp luật, cung cấp ý kiến pháp lý đối với những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác thẩm định, góp ý văn bản QPPL đảm bảo tiến độ, chất lượng, gắn kết chặt chẽ với công tác kiểm soát thủ tục hành chính. 100% các văn bản QPPL trước khi ban hành đều có ý kiến thẩm định của cơ quan Tư pháp, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi. Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện kịp thời, có chất lượng kỳ hệ thống hóa văn bản QPPL giai đoạn 2019-2023.
Công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý được tăng cường. Các hoạt động công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản tiếp tục thực hiện có hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách của tỉnh. Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh đã đấu giá thành và chênh lệnh so với giá khởi điểm là trên 7 tỷ; các Phòng Công chứng thuộc Sở (Phòng Công chứng số 1; II; III) đã thực hiện công chứng 3.263 việc, thu 1.311.919.000đ phí công chứng.
Công tác hành chính tư pháp đi vào nền nếp, việc giải quvết các yêu cầu của người dân về đăng ký hộ tịch, chứng thực, cấp phiếu lý lịch tư pháp được thực hiện đúng quy định, thủ tục hành chính được đơn giản hóa, không gây phiền hà, sách nhiễu cho cá nhân, tổ chức. Công tác pháp chế, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đạt nhiều kết qua cụ thể, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp của tỉnh vẫn còn một số những tồn tại, khó khăn như: Việc xã hội hóa đối với hoạt động bổ trợ tư pháp còn khó khăn, như: hiện nay toàn tỉnh mới có 4 luật sư; có 4 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó 3 tổ chức công chứng nhà nước, 1 tổ chức công chứng tư; 2 tổ chức giám định tư pháp công lập, chưa có tổ chức giám định ngoài công lập, giám định viên tư pháp ở một số lĩnh vực còn thiếu, dẫn đến chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng; chưa có nhiều chuyên gia pháp lý chuyên sâu để tham mưu cho UBND tỉnh đối với số vụ việc phức tạp, kéo dài trong một số lĩnh vực đất đai, đầu tư trong quá trình điều hành phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Việc thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự rõ nét. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có mặt còn hạn chế. Lực lượng tư pháp cấp huyện còn mỏng, tính năng động chưa cao...
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình nhấn mạnh: Năm 2024 là năm quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã đề ra. Nghị quyết của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh năm 2024 đã đề ra nhiều nhiệm vụ giải pháp trong lĩnh vực tư pháp đó là công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý… do đó đòi hỏi Ngành không ngừng đổi mới, sáng tạo mang tính đột phá, điểm nhấn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, với quan điểm Cơ quan tư pháp là “người gác cổng” về các vấn đề pháp lý của chính quyền địa phương. Do đó, đã đề nghị Ngành tư pháp và các đơn vị tư pháp chú trọng thực hiện một số nội dung chủ yếu đó là:
Một là, tiếp tục phát huy vai trò trong việc tham mưu cho chính quyền địa phương các cấp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL. Chủ động, tích cực và linh hoạt gắn với thực tiễn việc tham mưu, tư vấn các vấn đề pháp lý để giải quyết những tình huống phát sinh trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội; tháo gỡ khó khăn, “điểm nghẽn” trong tổ chức thi hành pháp luật, tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp của doanh nghiệp, hợp tác xã, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính.
Hai là, tiếp tục tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Tư pháp theo Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ; triển khai thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 28/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030"; Thực hiện nghiêm, hiệu quả Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tham mưu đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là những thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, thủ tục hành chính có tần suất phát sinh nhiều. Tập trung rà soát, tiếp tục kiến nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt là nhóm thủ tục hành chính liên thông khai sinh - cấp thẻ báo hiểm y tế - đăng ký cư trú; khai tử - xóa đăng ký cư trú; cấp phiếu lý lịch tư pháp; công chứng hợp đồng, giao dịch, chứng thực điện tử.
Ba là, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, gắn với công tác phổ biến giáo dục pháp luật theo hướng thực chất, hiệu quả; tăng cường công tác quản lý nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật với quan điểm “dẫn dắt, định hướng tuyên truyền pháp luật” để các ngành, cơ quan tổ chức thực hiện.
Bốn là, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động bổ trợ tư pháp (lĩnh vực công chứng, luật sư, đấu giá, giám định tư pháp) để phục vụ người dân, doanh nghiệp trong sử dụng các dịch vụ công thiết yếu, cơ bản; đáp ứng nhu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng; hỗ trợ thu ngân sách nhà nước đối với tài sản là tang vật phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, tài sản thi hành án, giao đất có thu tiền sử dụng đất thông qua hoạt động đấu giá..
Năm là, tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động chuyên môn, quản lý điều hành; quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức cơ quan tư pháp, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã và đội ngũ công chứng viên, đấu giá viên; phát huy vai trò, trách nhiệm đội ngũ pháp chế các cơ quan chuyên môn theo đúng quy định. Đối với đội ngũ công chức cấp huyện, cấp xã cần phải được bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, khẳng định vị trí, vai trò với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tư pháp năm 2023
Hội nghị đã công bố và trao tặng Quyết định tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho các tập thể, cá nhân; trao tặng Quyết định tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Luật Giám định tư pháp, Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp; Công bố Quyết định tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở của Sở Tư pháp và tặng Giấy khen của Giám đốc Sở Tư pháp cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2023./.